Tướng Dạ

Chương 3-4

trước
tiếp

Quyển 1 – Chương 3: Nói giỏi viết giỏi – thiếu niên nghèo xác.

Sau khi Mã Sĩ Tương rời đi, lão già chậm rãi mở đôi mắt, trong mắt ánh lên vẻ hứng thú hiếm hoi. Lão cười cười, nhìn vào trong trướng nói giọng ôn hòa:

– Trong một tòa thành nhỏ xíu chốn biên thùy lại có một gã binh sĩ đủ khả năng thi vào thư viện, thật khiến người ta khó mà tin nổi. Nếu đúng như vậy, thì bất kể năng lực hay phẩm hạnh của gã thiếu niên này cũng đều là hạng nhất, dùng hắn làm người dẫn đường cũng không đến nỗi tồi.

– Rời xa Đại Đường mới có mấy năm, không ngờ một nơi thần thánh như thư viện lại đi thu nhận loại người như tên binh bét vô lại này, quái quỷ.

Giọng nói vẫn lạnh lùng hờ hững như trước, nhưng thực ra thái độ vị quý nhân có vẻ đã hơi thay đổi, chí ít nàng ta cũng không phản đối chuyện Ninh Khuyết làm người dẫn đường cho đội ngũ nữa, chỉ bằng cái tên đã khiến một nhân vật lớn thay đổi ý định thì nơi nghe có vẻ đơn giản như “thư viện” tất nhiên không hề đơn giản chút nào.

Lão già chuyển câu chuyện sang đề tài khác, nét mặt tỏ ra khó hiểu:

– Lúc trước ta đi xem chữ hắn viết trên đất bùn, đúng là chép lại đoạn thứ ba của “Thái thượng cảm ứng thiên”, nét chữ đơn giản mạch lạc nhưng rất sống động, rõ ràng chỉ dùng một cành cây hạ xuống mặt đất lại sinh ra cảm giác như đao sắc khắc xuống bùn, thư pháp của tên binh sĩ tên gọi Ninh Khuyết này rõ ràng đã bước vào chính đạo… Thật không hiểu nổi gã dùng cách nào luyện được, sư thừa ở nơi đâu?

– Gã binh bét ấy thật ra cũng không thể gọi là có bút phát được, trước đây ngẫu nhiên nhìn thấy do cảm giác mới mẻ khiến người ta khó tránh được giật mình. Bây giờ cẩn thận nghĩ lại chẳng qua đó là chút kĩ thuật dùng đầu bút cỏn con, sao có thể gọi là chính đạo, ngày sau cùng lắm trở thành một tiên sinh bán chữ ngoài phố nơi đô thành thôi. – Quý nhân lạnh nhạt nói.

Lão già lắc đầu nói:

– Hai chữ “mới mẻ” ngài vừa nói chính là điểm mấu chốt. Ta không hiểu thư pháp, nhưng thấy gã binh sĩ đó nét chữ sắc bén tựa như đá vàng, loại chữ này chưa từng thấy qua, có vẻ từa tựa như thủ đoạn của những đại hành gia Phù đạo trong đạo đàn.

– Ngài nói Thần phù?

Quý nhân trong trướng ngẩn ra rồi châm chọc:

– Trên đời có hàng ức vạn con người mà trong phù đạo cũng chưa đến số mười, những cao nhân này hoặc ẩn cư trong cung, hoặc tĩnh tọa nơi quan nội, suốt đời minh tường khổ tu mới có thể cô động khí trời thành kim câu ngân hoa, gã Ninh Khuyết này trên thân hoàn toàn không có khí tức ba động, rõ ràng là một người bình thường, vậy thì dẫu có đọc “Thái thượng cảm ứng thiên” thêm năm mươi năm nữa chỉ sợ vẫn không bước nổi vào sơ cảnh, hai loại thủ đoạn này sao có thể nói giống nhau được?

Lão già cười cười không nói gì nữa. Tuy lão là người trong giới tu hành, dọc đường đi đối phương vẫn luôn giữ thái độ tôn kính nhưng thân phận hai bên cách nhau quá xa, cái gọi là tôn kính chẳng qua là thương già tiếc tài mà thôi, vì thế không nói đến chuyện không nên nói vẫn là hơn nhất.

Tất nhiên lão chẳng hề đồng ý với quan điểm của vị quý nhân sau trướng kia, lão tự có phán đoán của mình về gã binh sĩ tên gọi Ninh Khuyết kia.

Người phàm trong thế tục có thể cảm ngộ được khí tức trời đất bước vào cảnh giới sơ thủy thực sự là vạn người không có nổi một, cảm ứng bước đầu thực sự là cửa ải vô cùng khó khăn, nhưng nếu Ninh Khuyết được học tập trong “thư viện” rồi trong muôn một vớ được nhân duyên tiến lên “nhị lâu” trong truyền thuyết, bước vào con đường tu hành thì kiểu thư pháp quái dị mà tiềm năng vô cùng chắc chắn sẽ giúp ích gã rất nhiều.

Cho dù không thể mở ra linh khiếu, chỉ bằng bút pháp của mình hẳn gã cũng nhận được kính trọng không nhỏ từ những cao nhân trong thư viện và đạo đàn.

……………………

Ninh Khuyết đặt quyển sách trên tay xuống, lắc lắc đầu rồi đi ra ngoài cửa, trên mặt gã đây đó vẫn vương nét ngơ ngẩn và bất cam.

Quyển “Thái thượng cảm ứng thiên” này được mua từ mấy năm trước khi đội xe hậu cần vận lương rời trấn Bình Cản, đúng như tỳ nữ của quý nhân kia nói ở đâu cũng có bán. Hắn biết rõ điều này nhưng vẫn kiên trì đọc ngẫm, tựa như quyển sách chính là “thiên thư thất quyển” được người ta thờ phụng trong truyền thuyết vậy.

Quyển sách bị lật giở nhiều đến nỗi các góc cong vòng, cũ nát vô cùng, nếu không được Tang Tang dùng dây khâu kín đặc ở gáy có lẽ vừa chạm vào đã biến thành mớ tiền vàng mã xác xơ bay tứ tung theo gió để tế các bậc tiên hiền hủ nho. Tiếc rằng nhiều năm trôi qua, sách giở đến nát giấy, chữ nghĩa đã khắc sâu thuộc làu trong óc nhưng vẫn không thể chạm vào kỳ môn chứ đừng nói đến cái gì gọi là sơ cảnh trong tu hành, ngay cả thứ đơn giản nhất mà cuốn sách đề cập tới là cảm ứng cũng không có cách nào đạt được.

Trải qua những lần thất vọng thậm chí tuyệt vọng, sau lại biết tuyệt đại đa số người bình thường trên thế giới này không thể ngộ được khí của trời đất, tâm trạng của Ninh Khuyết trở lên bình tĩnh hơn.

Những thế ngoại cao nhân trong truyền thuyết chẳng ai là người bình thường, toàn những kẻ biến thái – không biến thái đến hiếm có sao có thể cảm ngộ khí của trời đất được? Chẳng phải “Thái thượng cảm ứng thiên” truyền lưu rông rãi trong nhân gian sao? Tại sao bầu trời đô thành Trường An ban đêm không có cảnh phi kiếm xẹt ngang xẹt dọc, cao nhân bay tới bay lui?

Ninh Khuyết hắn chỉ là một người bình thường.

Hoặc có thể nói hết sức phổ thông.

Nhưng nếu đứng trước một ngọn núi đầy bảo bối rồi phải tay trắng trở về, có kẻ nào cam lòng được đây?

……………….

– Vị Thành nghèo xác xơ, đám người man trên thảo nguyên đã sớm bị Hoàng đế bệ hạ làm cho sợ hãi, nhiều năm rồi không dám tới đây nên không có cách nào để mau chóng tích lũy quân công cả, có thể quay lại đô thành đương nhiên là việc tốt, có chỗ nào đáng để thuộc hạ cảm thấy không cam lòng đây?

Bên ngọn đèn mờ tỏ trong quân doanh, Ninh Khuyết cung kính khom mình hành lễ với tướng quân trước mặt, giải thích bằng giọng nói ôn hòa dễ nghe nhất:

– Có điều từ nay đến ngày báo danh ở thư viện còn một khoảng thời gian, thuộc hạ cũng không cần ra đi quá sớm, mấy năm nay ở dưới trướng tướng quân dù không thể nói là tiến bộ thần tốc nhưng những điều giáo huấn của ngài đã tạo nên thuộc hạ ngày hôm nay, nếu không thuộc hạ sao có thể tốt số lọt qua vòng thi vào thư viện.

Hắn lại khẩn thiết nói tiếp:

– Quả thật là thuộc hạ muốn ở lại Vị Thành, ở bên cạnh ngài thêm vài ngày thì được nghe thêm nhiều điều dạy bảo. Cho dù chỉ là dạo chơi nơi phố chợ cũng tốt.

Mã Sĩ Tương nhìn gã thiếu niên trước mặt, chòm râu dưới cằm hơi lay động, không hiểu do gió đêm thổi vào hay hậu quả của một cơn giận khó nén, hắn nhạo báng:

– Ninh Khuyết ơi là Ninh Khuyết, bao lâu nữa thì ngươi biến thành một gã mặt dày không biết xấu hổ là gì?

Ninh Khuyết cười trả lời:

– Chỉ cần tướng quân ngài cần, thì thuộc hạ lúc nào cũng có thể vứt sĩ diện của mình đi.

– Nói sự thật đi. – Vẻ mặt Mã Sĩ Tương trở nên lạnh lùng: – Tại sao ngươi không chịu nhận nhiệm vụ dẫn đường này?

Ninh Khuyết trầm lặng hồi lâu rồi ngẩng lên, nhìn thẳng vào đối phương, nói:

– Tướng quân, vị quý nhân kia hình như rất không thích thuộc hạ.

– Chú ý thân phận của ngươi!

Giọng điệu của Mã Sĩ Tương trở lên vô cùng nghiêm túc:

– Ngươi hiện chưa phải là học sinh của thư viện! Thân là người lính của đế quốc, ngươi phải phục tùng mệnh lệnh cấp trên, phục tùng mệnh lệnh của lão tử! Vị quý nhân kia có thích ngươi hay không, không phải là loại chuyện ngươi cần quan tâm, còn ngươi có thích vị quý nhân kia hay không thì ai quan tâm đến làm quái gì. Ngươi chỉ cần tiếp nhận mệnh lệnh, sau đó hoàn thành mệnh lệnh là đủ!

Ninh Khuyết không trả lời, chỉ cúi đầu nhìn ngọn cỏ kiên cường nhô khỏi đám bùn giữa hai chiếc giày, nhưng thái độ im lặng tức là phản đối.

Mã Sĩ Tương biết thiếu niên này đang không biết làm sao cho phải, hắn thở dài nói:

– Ngươi rốt cuộc muốn quậy phá cái gì? Tại sao không chịu cùng về đô thành với họ?

Ninh Khuyết ngẩng đầu, vẻ mặt cực kì nghiêm túc nói:

– Thuộc hạ đã xem qua đội xe bên ngoài của họ, trên thảo nguyên họ đã bị tập kích, gần đây là thời điểm hạn hán mùa xuân ở biên giới, mà năm ngoái Thiền Vu của Tả kim trướng đã chết, lại thấy trên da tỳ nữ của vị quý nhân kia có mấy vết đen cho nên… thuộc hạ không dám đi cùng bọn họ.

Đội xe bị tập kích, thảo nguyên đang trong trận hạn hán mùa xuân, Thiền Vu đã chết, trên da tỳ nữ có vết đen.

Những thứ tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau này bị hắn gom lại một chỗ, biến thành lý do.

Mã Sĩ Tương nhìn hắn, thở dài hỏi:

– Ngươi đã sớm đoán được ư?

– Hiện nay trong cả Vị Thành này có kẻ nào mà không đoán được họ là ai?

Ninh Khuyết dang hai tay tỏ vẻ bất đắc dĩ, nhìn về một bên quân doanh đang chìm trong bóng tối, nói:

– Cũng chỉ có cái vị công chúa ngớ ngẩn lớn lên trong hoàng cung Trường An rồi được gả đến thảo nguyên làm oai làm phúc kia mới ngu xuẩn cho rằng cái chết lâu từ lâu rồi của chồng nàng là một bí mật vô cùng to lớn.

 

Quyển 1 – Chương 4: Sự mộc mạc của người Đường thật không dễ thấy!

Tuy dân tình của đế quốc giản dị và cởi mở, đây lại là câu chuyện riêng tư nói giữa đêm khuya ở doanh trại nhưng khi nghe thấy mấy từ “công chúa ngớ ngẩn” này, sắc mặt Mã Sĩ Tương trở lên vừa căng thẳng vừa khó coi.

Từ khi cô gái thân phận tôn quý kia vào Vị Thành, hắn cố gắng xử sự cẩn thận từng li từng tý một, ai ngờ Ninh Khuyết dám to gan khơi khơi buông ra một câu đánh giá như vậy, hơn nữa hắn cho rằng đánh giá của Ninh Khuyết cũng không công bằng nên càng không hài lòng.

Ai cũng biết tứ công chúa của Đại Đường chẳng những không ngu ngốc mà còn cực kỳ nổi danh.

Quốc lực Đại Đường hùng mạnh, quân đội bưu hãn, bất kể đối với man tộc trên thảo nguyên hay các nước còn lại vùng Trung Nguyên, chưa bao giờ nghĩ đến thủ đoạn hôn nhân chính trị đầy nhục nhã này, ngoại trừ lần Thái tổ hoàng đế năm xưa gả tôn nữ cho mấy vị thủ lĩnh man tộc trung thành nhất thì không còn tình huống tương tự nào xảy ra.

Song ba năm trước đây thảo nguyên bỗng xuất hiện bất ổn, kim trướng bộ lạc lớn nhất của man tộc dưới sự xúi giục của nước địch nảy sinh ý phản, lúc đó vị tứ công chúa được bệ hạ vô cùng sủng ái mới mười ba mười bốn tuổi đã bất chấp sự phản đối của cả nước, kiên quyết quỳ trước cung Đại Minh, khóc chảy máu mắt xin tình nguyện được gả sang thảo nguyên làm thê thiếp cho vị Thiền Vu của kim trướng kia.

Chuyện đồn ra ngoài, thiên hạ khiếp sợ, khắp nơi đầu đường ngõ phố xôn xao bàn luận, văn thần liên thủ dâng tấu can ngăn, bệ hạ nổi giận, hoàng hậu tâm tư phức tạp không đưa ra ý kiến, nhưng tất cả đều không ngăn được quyết tâm của nàng. Khi Thiền Vu của kim trướng trên thảo nguyên nghe thấy câu chuyện cảm thấy vô cùng vinh hạnh, lại càng thích tính tình của vị công chúa, lập tức sai sứ giả mang theo năm ngàn dê, bò, ngựa vào triều, dùng ngôn ngữ khiêm tốn chân thành nhất xin cầu hôn, Hoàng đế bệ hạ đành bất dắc dĩ quyết định năm Thiên Khải thứ mười một sẽ cho con gái xuất giá.

Công chúa tới thảo nguyên chưa được nửa năm đã dùng nhu tình của mình khiến vị thủ lĩnh hùng tâm bừng bừng kia trở lên bình tĩnh thu liễm bình như một con hùng sư, chịu ngồi yên tự bảo vệ quốc gia mà từ bỏ ý định gây chiến.

Nhưng ai ngờ mấy tháng trước vị Thiền Vu đang tuổi tráng niên đó đột nhiên chết bất đắc kì tử, người em trai anh dũng của ông ta lên kế vị, tình hình biên cương lập tức trở lên căng thẳng. Trong hơn bốn năm kể từ khi cô thiếu nữ nhỏ bé quỳ trước cung Đại Minh tự quyết định hôn nhân, biên giới phía tây bắc đế quốc được hưởng sự hòa bình hiếm có, đây thực sự là công lao to lớn của vị công chúa điện hạ.

Mặt khác nghe đồn rằng một nguyên nhân rất lớn khiến công chúa kiên trì muốn tới thảo nguyên là để tách xa Hoàng hậu nương nương. Nếu đây là sự thật, việc không ỷ vào sự sủng ái của bệ hạ mà chủ động tránh lui đối với hoàng hậu giữ cho thượng tầng đế quốc không xảy ra mâu thuẫn gay gắt trong mắt quân đội và đám văn thần thực sự là hành động dám hi sinh vì đại thế, hiền lương vô cùng.

Đối với đám tướng lĩnh biên cương thân trải trăm trận như Mã Sĩ Tương, việc công chúa phải gả sang nước địch thực sự là nỗi sỉ nhục đối với bọn họ. Họ không sợ chiến tranh, càng không sợ đám người man rợ, nhưng chẳng ai muốn cự tuyệt nền hòa bình được trời cao ban cho này. Vì thế, cảm xúc của họ đối với vị công chúa này hết sức phức tạp, vừa có sự giận giữ khó hiểu, vừa có sự cảm kích, nhưng sâu trong tâm hồn mỗi người đều là lòng tôn kính không nói lên lời.

Ninh Khuyết là một binh sĩ bình thường, không biết có hiểu nổi tâm tình phức tạp của đám tướng quân hay không hoặc có thể hắn cũng chẳng thèm để ý, bởi vì chuyện trước mắt rõ ràng có nguy cơ ảnh hưởng đến cái mạng nhỏ của hắn. Mà theo quan điểm của hắn, so với tính mạng bản thân mọi thứ còn lại đều không đáng nhắc đến.

Vì vậy, hắn làm bộ như không nhìn thấy vẻ mặt nặng nề của đối phương, tiếp tục nói:

– Vết tên bắn trên xe ngựa cho thấy thủ hạ của vị Thiền Vu mới lên kia quả thực ra tay rất tuyệt tình, thuộc hạ đoán đám hộ vệ của công chúa bị giết chết trên thảo nguyên ít nhất cũng quá nửa.

– Nghe nói họ gặp phải mã tặc. – Vẻ mặt của Mã Sĩ Tương hơi mất tự nhiên, đại khái ngay cả hắn cũng muốn nhổ vào lời giải thích của mình.

– Ồ, ngay cả Thiền Vu của kim trướng cũng không dám công khai ra mặt tấn công công chúa Đại Đường nên tất nhiên thủ phạm là mã tặc, có điều ai chẳng biết đám mã tặc đó do kẻ nào xui khiến. – Ninh Khuyết tiếp tục nói: – Nhưng nghĩ kĩ lại chuyện này cũng không mấy hợp lý, ai cũng biết đám mã tặc thực sự do kị binh của Thiền Vu xui khiến thì tên mọi rợ đó lấy đâu ra lá gan to như vậy nhỉ? Chẳng lẽ hắn không sợ triều đình nổi giận đem binh mã đến đạp nát kim trướng của hắn sao?

Đại Đường lấy võ lập nước, dân phong tuy giản dị nhưng anh dũng, cực kì coi trọng tôn nghiêm.

Nếu muốn triệt để đạp bằng kim trướng trên thảo nguyên, e rằng Đại Đường cũng phải hao tổn quá nửa thực lực quốc gia. Một vị công chúa được gả ra ngoài bị tấn công liên lụy cả nước rung chuyển mệt nhọc, dường như là chuyện không thể xảy ra.

Nhưng trên thực tế, trong lịch sử Đại Đường xuất hiện không ít hành động đầy cảm tính như vậy, nói văn hoa là những câu chuyện hào khí tận trời.

Nổi tiếng nhất là một chuyện xảy ra khi Thái tổ đã về già.

Lần đó, một bộ lạc nào đó ở thảo nguyên tấn công Bạch Dương trấn, toàn trấn một trăm bốn mươi người bị chém tận giết tuyệt, đế quốc phái sứ giả sang trách tội thì Thiền Vu kiêu ngạo của bộ lạc đó cắt luôn tai sứ giả rồi đuổi về. Thái tổ giận tím mặt, quyết định thân chinh thảo nguyên, động viên cả nước tổ chức đội quân tám vạn thiết kỵ cuồn cuộn lên đường chinh phạt. Bộ lạc kia nghe tiếng hoảng sợ vỡ mật, lập tức đạp tuyết bỏ chạy lên hoang nguyên phía bắc nhưng thiết kỵ Đại Đường liên tiếp mấy tháng đuổi theo không bỏ, cuối cùng giết sạch toàn bộ lạc đối phương.

Chiến tranh liên tục mấy tháng, tàn sát hết kẻ địch, miêu tả rất đơn giản, kết quả nhìn qua cũng rất nhẹ nhàng đẹp mắt, nhưng trong đó lại ẩn chứa những nỗ lực cùng cái giá khổng lồ.

Để đáp ứng nhu cầu trận chiến hao tiền tốn của này, triều đình huy động trăm vạn dân phu, thu mua toàn bộ gia súc của ba quận Hà Bắc khiến khắp nơi ruộng đồng hoang phế, mười nhà trống chín, phương nam thuế má tăng gấp bốn lần, tiếng kêu dậy đất, quan viên trong triều không còn tâm lực để ý chính sự, thiên hạ rung chuyển dữ dội, thậm chí đến sát bờ sụp đổ.

Khí chất kì diệu nhất của đế quốc Đại Đường trong thời điểm nguy hiểm đó cũng như trong vô số lần thử thách những năm tháng sau này cuối cùng được thể hiện ra.

Trong lúc thiết kỵ đế quốc viễn chinh hoang nguyên phương bắc, quân phản tặc phương nam không hề lợi dụng thời cơ thuế má tăng cao để tiến hành công kích, trái lại thậm chí còn rút vào núi rừng sông hồ, dường như bọn họ cũng không muốn thừa dịp ngáng chân đế quốc!

Đám giặc cỏ phản quân có lẽ chẳng mấy kẻ nghĩ đến cái gọi là đại nghĩa dân tộc, có lẽ trong số bọn họ cũng có người muốn nắm lấy cơ hội tốt để lên làm thiên tử này, nhưng họ không thể không đối mặt với một hiện thực: khi bọn họ quyết định chớp lấy thời cơ, toàn thể dân chúng cùng khổ – những người ngày thường vẫn ủng hộ họ, cùng đám đầu lĩnh và binh sĩ ở tầng thấp nhất của nghĩa quân đều kịch liệt phản đối.

Lịch sử đánh giá Đường thái tổ không cao, nội bộ đế quốc cũng đánh giá tương tự.

Bất kể sử sách chính thống hay những tiên sinh kể chuyện nơi tửu lâu khi nói về vị hùng chủ này đều không tách rời với những hình dung đại loại như thích lập chiến công lớn, tin dùng đám nịnh thần tiểu nhân, dùng hình pháp tàn khốc, cầu trường sinh mà vô đạo.

Nhưng bất kể là văn nhân tối cổ hủ hay giáo viên thư viện cực độ coi thường quyền lực hoàng đế, cho tới những nông phu thương nhân hàng ngày vẫn căm ghét đám quyền quý, không ai lên tiếng phản đối trận chiến này. Bọn họ có thể dùng đủ loại lý do để chửi mắng vị hoàng đế khai quốc, nhưng chưa có ai cho rằng trận chiến tranh hao tiền tốn lực, làm lê dân khốn khổ chỉ vì một lần quân vương nổi giận kia là không nên xảy ra!

Bởi lẽ từ khi mở nước đến nay, những con người sinh sống trên mảnh đất này vẫn thủy chung kiên trì bảo vệ một đạo lý giản dị: ta không bắt nạt người nhưng người đừng có ý nghĩ bắt nạt ta; còn nếu ta bắt nạt ngươi, vậy thì ngươi… tốt nhất đừng có tư tưởng bật lại! (con bà lũ Khựa, tư tưởng Đại Háng tự sướng đây mà)

Ai dám đụng đến ta, ta liền đập hắn.

Đây chính là nguyên tắc lập nước căn bản của Đại Đường.

Đây chính là con đường dành cho kẻ mạnh như Đại Đường.

Đây cũng chính là lý do tại sao đất nước hùng mạnh nhất trên thế giới là Đại Đường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.